Trên thị trường, các nhà sản xuất luôn quảng cáo các sản phẩm cuả mình là sữa tươi tiệt trùng, sữa tươi nguyên chất, nhưng có ý kiến cho rằng, đây là chiêu bài đánh lừa người tiêu dùng. Nhiều siêu thị, đại lý, cửa hàng... tràn ngập các loại “sữa tươi tiệt trùng” nhưng được sản xuất từ sữa. Nhiều loại sữa nước đóng hộp được gọi là “sữa tươi tiệt trùng” thực chất được chế biến chủ yếu từ sữa bột. Để bảo đảm chất lượng như sữa tươi nguyên chất, các nhà sản xuất phải bổ sung các vitamin, khoáng chất nhưng mức độ bổ sung đến đâu thì chưa ai kiểm soát được.
Hiện tại, tổng sản lượng sữa tươi hiện nay chỉ đáp ứng được 22% nhu cầu sữa nước nói chung. Còn lại, 78%, phải dùng sữa bột hoàn nguyên. Câu hỏi đặt ra là gần 80% sữa tươi nguyên liệu còn thiếu được lí giải thế nào khi trên thị trường vẫn tràn ngập sữa tươi 100% với đủ nhãn mác, xuất xứ. Thậm chí đã phát hiện gần 11 triệu lít “sữa tươi” thực chất là sữa bột.
Trong công thức sản xuất sữa hoàn nguyên của các nước, ngoài thành phần nước chiếm 86 - 87%. Các thành phần vật chất khô chiếm 12 - 13%. Còn lại, chủ yếu là bột sữa gầy, bột sữa bò đã được tách chất béo, đường, phụ gia… Nguồn chất béo sử dụng để sản xuất loại sữa này là loại AMF (anhydrous milk fat), loại chất béo từ sữa bò nguyên chất. Ngoài thành phần chất béo lấy từ sữa bò nguyên chất, có giá trị dinh dưỡng cao, trong AMF còn chứa hàng loạt khoáng chất rất có lợi cho cơ thể như canxi, sắt, potassium, vitamin A, B…
Tuy nhiên, nhiều nhà sản xuất sữa trong nước hiện đều sử dụng dầu thực vật, chủ yếu là dầu cọ để thay thế cho AMF. Một trong những lý do quan trọng là giá dầu cọ chỉ bằng 1/6 giá AMF nhập khẩu. Một chuyên gia ngành thực phẩm khẳng định nếu phân tích các thành phần sữa nước hiện nay, các cơ quan chức năng cũng sẽ ghi nhận trong sản phẩm đủ độ béo, nhưng trên thực tế thì hàng loạt khoáng chất quan trọng có trong AMF lại không có trong sữa do đã bị thay thế bằng dầu thực vật.
Ban biên tập Siêu thị Trẻ Thơ