Dấu hiệu nhận biết
Đối với hiện tượng sinh lý bình thường nhận biết phù chân rất dễ. Khi thấy bàn chân sưng to hoặc chân có cảm giác nặng hay thấy mang dép chặt hơn bình thường, dù cùng đôi dép thường mang, hay ấn phía trước xương cẳng chân, vùng xương cứng thấy ấn lõm.
Ngoài hiện tượng sinh lý bình thường như trên phù còn xuất hiện khi có các bệnh lý huyết áp, thận hay tim mạch thì lúc này bạn nên cẩn thận chú ý
Lúc này phù xuất hiện sớm hơn, không đợi bụng to có chèn ép mà còn phù tay, mặt.
Mắt thì thấy nặng mi, mọng vùng quanh mắt, ấn lõm vùng xương trán, ngón tay múp hẳn lên, tăng cân bất thường hơn 1kg/tuần. Nếu bị phù do các bẹnh lý thận thì bà bầu sẽ thấy lượng nước tiểu ít hơn so với bình thường.
Phù nề nặng thì biểu hiện bên ngoài rất rõ ràng, hầu như ai cũng có thể nhậnbiết đó là thấy sưng nhưng thường không kèm đau ở mắt, mặt, chân tayhay ở bụng. Đặc biệt khi nắn, bóp vào vùng da bị phù có thể thấy nơi đó bị lõm xuống khá lâu mới đầy lên được. Tuy nhiên, trong trường hợp phù nhẹ thì nhiều khi xác định không dễ dàng.
Khuôn mặt sau khi ngủ dậy, soi gương nếu thấy mặt bất chợt to hơn bình thường, hơi “phị” ra, mi trên hai mắt “nặng như chì” thì rất có khả năng đã bị phù.
Khi bị phù các ngón tay sẽ to lên. Đối với chân, khi quan sát chân, cần chú ý các vùng như mắt cá, đầu gối của hai chân, nơi có các đầu xương lồi lên tạo ra các hố lõm. Nếu mu bàn chân, cẳng chân sưng to; phù nhẹ thì các hố quanh các mấu xương sẽ như bị “đầy” lên thì chắc chắn đã bị phù nề.
Nếu thai nghén phát triển bình thường thì trong suốt thai kỳ, người phụ nữ có thể tăng thêm trung bình 12kg (trong đó 3 tháng đầu chỉ tăng khoảng 1kg, ba tháng giữa tăng trung bình 5kg và vào 3 tháng cuối tăng khoảng 6kg). Nếu thấy cân tăng nhanh, quá mức bình thường thì khả năng bị phù nề rất cao. Thời gian theo dõi những tháng đầu chỉ cần nửa tháng/lần, còn vào ba tháng cuối cần mỗi tuần/lần. Khi đã nghi ngờ bị phù, phải theo dõi liên tục hàng ngày.
Sưng phù bình thường trong thai kỳ thường chỉ liên quan đến phần chân và đôi khi là bàn tay, với những trường hợp này, nếu nghỉ ngơi hợp lý, các dấu hiệu sưng sẽ giảm dần. Tuy nhiên nếu bạn bị sưng phù lâu ngày, dù đã nghỉ ngơi mà vẫn không giảm bớt, thậm chí kèm theo đau đầu, rối loạn thị giác, mờ mắt, đau bụng thì tình hình trở nên rất nguy hiểm và bạn phải tới gặp bác sĩ càng sớm càng tốt. Bởi hiện tượng sưng phù cũng là một tín hiệu của tiền sản giật. Tiền sản giật là một hội chứng của cao huyết áp trong thai kỳ và có thể trở nên nghiêm trọng nếu không được điều trị.
Phòng, chữa chứng phù khi mang thai
Trước tiên, phải đảm bảo cung cấp nguồn đạm cho cơ thể. Mỗi ngày mẹ bầu nên ăn đủ lượng thực phẩm giàu protein chất lượng cao, chẳng hạn như thịt, cá, tôm, trứng, sữa, các thực phẩm động vật và các loại đậu... Thai phụ để phòng tránh thiếu sắt, nên chú ý ăn gan động vật từ 2 – 3 lần/ tuần để bổ sung sắt.
Bạn có thể làm giảm bớt áp lực lên các tĩnh mạch bằng cách nằm nghiêng về một phía. Vì tĩnh mạch chủ ở phía bên phải cơ thể, nên nằm nghiêng về phía bên trái giúp làm giảm áp lực. Khi ngủ, đặt gối để kê chân cũng là một giải pháp xoa dịu và giảm chứng phù chân hiệu quả.
Hãy tranh thủ gác chân bất cứ khi nào có thể để giúp đôi chân được nghỉ ngơi. Tại nơi làm việc, có thể để một chồng sách dưới gầm bàn để gác chân. Không nên ngồi bắt chéo chân hoặc ngồi đè lên mắt cá chân. Ngoài ra, thai phụ nên thường xuyên duỗi thẳng chân mỗi khi ngồi và tranh thủ làm động tác “duỗi thẳng”, đầu tiên đặt gót chân xuống và nhẹ nhàng nhấn chân xuống để làm căng các cơ bắp, xoay xoay cổ chân và ngọ nguậy các ngón chân.
Thường xuyên thay đổi tư thế bằng cách ngồi hoặc đứng. Tập thể dục vừa phải, đều đặn (đi bộ, bơi, hoặc đi xe đạp) sẽ giúp máu lưu thông dễ dàng xuống các chi dưới. Bạn có thể tham gia lớp tập thể dục dưới nước, vì ngâm mình trong nước có thể tạm thời giúp làm giảm sưng, đặc biệt ở mực nước gần đến vai bạn.
Thai phụ nên lựa chọn những đôi giầy thoải mái vừa vặn với những chỗ sưng của bàn chân. Không nên mang tất quá chật, bó vào mắt cá chân và bắp chân. Hãy dùng loại tất cao cổ dành cho bà bầu. Vào buổi sang hãy mang chúng trước khi xuống khỏi giường để máu không thể tụ lại phần mắt cá chân của bạn.
Mẹ bầu không nên nhịn tiểu vì nước tiểu trữ trong bàng quang cũng làm tăng mức độ sưng phù.
Hạn chế ăn mặn vì nó làm tăng áp lực lên thận. Khi bị sưng phù bạn nên lựa chọn những thức ăn dễ tiêu, không ăn thức ăn đầy hơi (như gạo nếp, khoai lang, hành tây, khoai tây, vv), để đảm bảo không gây đầy hơi, lưu thông máu kém sẽ làm tăng phù nề.
Vào ban đêm trước khi đi ngủ, mẹ bầu có thể ngâm chân nước nóng. Điều này không chỉ có lợi cho giấc ngủ mà còn thúc đẩy tuần hoàn máu.
Ban biên tập Siêu thị Trẻ Thơ