Đối với học sinh, nếu như mở một cuộc điều tra với câu hỏi là: "Môn học nào khiến bạn cảm thấy khó học và không thích thú nhất" thì xin cam đoan với các mẹ trong mười học sinh ít nhất cũng phải có đến tám học sinh trả lời là môn Văn. Quả thật môn Văn từ xưa đến nay luôn là một môn học nan giải và ác mộng của các học sinh bởi để học tốt môn này, học sinh cần rất nhiều kỹ năng và kiến thức, quan trọng hơn là một niềm đam mê với văn học.
Vấn đề là môn Văn là một trong những môn học quan trọng và là một học bắt buộc trong các kỳ thi cực kỳ quan trọng như thi tốt nghiệp trung học cơ sở, trung học phổ thông, đây đều là những cuộc thi quan trọng và có ý nghĩa bước ngoặt to lớn trong con đường học vấn của đời học sinh. Vì vậy, việc giáo dục giúp học sinh trở nên thích và không sợ môn văn việc mà bố mẹ nào cũng nên làm khi các em còn bé.
Và để trợ giúp các mẹ, hôm nay Sieuthitretho sẽ chia sẻ với các mẹ các bố bí kíp giúp con thích và học giỏi môn văn của chị Hồ Điệp, mẹ của thần đồng dịch giả Nhật Nam, người mà không chỉ nổi tiếng về khả năng dịch thuật mà còn nổi tiếng cả động đồng mạng với bức thư gửi mẹ cực kỳ cảm động. Các mẹ hãy cùng theo dõi những chia sẻ của chị Hồ Điệp nhé:
1. Trò chơi đoán vật:
Trò chơi này vui lắm, mình và Nam chơi suốt. Người đố sẽ giấu những đồ vật vào một chỗ khuất, sau đó miêu tả về từng đồ vật. Người đoán sẽ dựa trên miêu tả đó để đoán tên đồ vật.
Thực ra đây chính là việc miêu tả dưới dạng lời nói rất thú vị. Mình lấy ví dụ, mình giấu quả na, mình sẽ nói: Quả gì vỏ màu xanh ruột màu trắng. Đến đó mình dừng lại để Nam suy nghĩ và đưa ra đáp án. Nếu đáp án chưa chính xác, mình lại gợi ý tiếp: Quả có các mắt. Đến đây thì Nam đoán ra rồi. Mình sẽ đưa quả na ra. Nhưng bước quan trọng nhất là, sau khi “đáp án” đã lộ diện, mình và Nam sẽ cùng nhau miêu tả thêm.
Ví dụ: Quả na có hình tròn trĩnh, y hệt như quả bóng nhỏ. Mỗi khi quả chín, các mắt na mở to như muốn nói: Bạn Nam ơi, tớ đã chín rồi này. Không chỉ mắt na báo hiệu, cả mùi thơm của na cũng cho mình biết là na đã chín (em ngửi xem này). Ruột na màu trắng ngần, ngọt lịm. Hạt na đen nháy nên người ta còn ví: Mắt đen như hạt na. Nào bây giờ thì mẹ và em cùng “khám phá” xem những điều mình vừa miêu tả có đúng không nhé. Đến bước này thì Nam thích nhất rồi. Kết hợp Chơi- Học- Ăn là lý tưởng nhất đối với Nam.
Nhưng đó là khi mình là người đố. Đến lượt Nam là người đố thì chật vật hơn. Mình cứ giả vờ không biết bạn ấy đố gì để Nam miêu tả nhiều hơn, nhiều hơn nữa. Ban đầu Nam rất chật vật để có thể miêu tả được đồ vật mà mình có trong tay. Nhưng rồi cũng quen dần.
Trò chơi này, mình chơi cùng Nam từ khi con học lớp 1, dần dần cứ tăng độ khó bằng những đồ vật “lắt léo”.
Không chỉ dừng ở đồ vật, mỗi lần cùng Nam đi dạo, mình hay đố Nam miêu tả về một người nào đó mà cả hai mẹ con cùng biết, tất nhiên không được nói tên, và phải miêu tả bằng hình dáng rồi mới đến các đặc điểm của người đó. Trò chơi này thường đem đến những tràng cười không dứt.
Ví dụ, Nam đố nhé: Một người có cái bụng hơi to, mẹ đoán đi. Ôi mẹ chịu, có nhiều người lắm. Người đó có mái tóc đen, rậm, dáng người tầm thước. Chưa “chốt” được vì có tới năm đáp án. Người đó có một cái sẹo ở chân. Hà hà, mẹ bắt đầu hình dung ra rồi. Tiếp nhé, người đó rất “ít cười”, thích ăn đồ ngọt, hay nói chuyện về các cô “chân dài”. Đến đây thì mẹ biết là người mà “ai cũng biết đó là ai” rồi. Cả hai mẹ con cười bò lăn. Đấy là những “nhân vật” dễ nhận biết thôi. Có những khi Nam nghĩ đến những người mà lâu lắm mẹ không gặp thì cuộc đố kéo dài đến cả quãng đường đi dạo.
Cứ thế, việc miêu tả bắt đầu từ những trò chơi đơn giản như vậy. Đến khi Nam làm văn, mình luôn nói: Thực ra, viết một bài văn cũng giống như con chơi trò đố mẹ vậy. Con làm cho mẹ ngạc nhiên, con làm cho mẹ bất ngờ vì những đồ vật, sự vật, con người vốn gần gũi nhưng khi con viết lại có những phát hiện rất lạ lẫm làm mẹ yêu thích bài văn của con.
2. Làm báo tường.
Nghe có vẻ buồn cười nhưng ở nhà mình, hai mẹ con hay cùng nhau làm báo tường lắm. Đúng là báo tường thật vì… báo chuyên dán ở tường. Mình mua tờ giấy to rồi dán ở góc học tập của Nam. Sau đó cả hai mẹ con bắt đầu “viết báo”. Mỗi ngày lại đóng góp những bài báo của riêng mình. Chủ đề thì thích gì viết nấy. Chuyện Nam đi học bị cô giáo phê bình vì nói chuyện riêng cũng thành một phóng sự li kì, có tựa đề: Đi học có gì hấp dẫn. Chuyện cây hoa hồng trên ban công bị héo vì ít đất ăn quá. Chuyện mẹ thái rau bị đứt tay… Tất cả những mẩu con con ấy đều được viết rồi dán lên, có trang trí hoa lá cành cho có vẻ sinh động. Tờ báo tường cứ thế dày lên. Mỗi lúc rảnh rỗi, cả nhà đem ra đọc lại. Yêu ơi là yêu mà cũng vui ơi là vui!
Chính vì những bài viết con con đó khiến Nam không ngại viết và luôn thấy việc mình viết lại một hoạt động gì đó, một sự kiện gì đó là việc làm thú vị chứ không phải “vò đầu bứt tai” đau khổ mỗi khi viết bài. Điều này cũng giúp Nam viết bài văn được nhanh hơn. Cô giáo ở lớp luôn khen Nam là người viết bài nhanh nhất, ít khi để về nhà mới viết mà viết ngay tại lớp. Làm văn mà không khác gì “tốc kí”.
3. Trò chơi tưởng tượng.
Trong các trò chơi, có một số trò Nam chơi là do mẹ dụ dỗ, lôi kéo nhưng trò này thì Nam mê nhất, luôn gạ mẹ để chơi ở bất kì thời gian nào.
“Luật chơi” thì dễ lắm: Mẹ hoặc Nam sẽ nghĩ ra một tình huống nào đó rồi bắt đầu… tưởng tượng. Tất cả những điều gì “phù phiếm” nhất có thể nghĩ được ra đều có thể huy động để tạo thành một câu chuyện. Vì biết tâm lý của con trẻ là luôn cảm thấy thích thích và sờ sợ với những chi tiết có vẻ hơi hoang đường nên mình thường ra những tình huống có vẻ kì bí một chút.
Ví dụ thế này nhé: Có hai người đàn ông ở trong một căn nhà hoang trên đảo. Đêm hôm đó, khi một người nằm ngủ cạnh lò sưởi và người kia đang ngồi nướng bánh ở góc nhà, mùi bánh mì bốc lên thơm phức trong ánh lửa lập lòe. Bỗng nhiên có tiếng gõ cửa. Sau tiếng gõ cửa, có bốn vị khách lạ mặt xuất hiện. Nào em tưởng tượng và miêu tả về từng người khách và câu chuyện xảy ra trong đêm. Ôi chao, mỗi hôm Nam tưởng tượng ra một kiểu, li kì hết biết. Sau đó, mình cũng khuyến khích Nam viết lại. Kể thì bao giờ cũng dễ hơn viết. Nhưng mình luôn động viên để mỗi hôm Nam dành ra khoảng 20 phút để viết thành một câu chuyện dài của riêng Nam.
Hôm nay mình dừng lại ở đây đã nhé. Mình sẽ viết tiếp về một số trò chơi ngôn ngữ và cách hướng dẫn con trong quá trình viết văn.
Nhiều mẹ hỏi mình là chị ơi, chị không đi làm hay sao mà có nhiều thời gian cho con thế. Mình có đi làm, mình cũng quay cuồng với hàng đống công việc không tên ở nhà và luôn ước ngày có 48 tiếng. Nhưng có lẽ, khi ở gần Nam, mình giảm thiểu tất cả những hoạt động khác, ví dụ xem ti vi, vào mạng… chỉ để dành cho Nam. Và Nam cũng biết “tiết kiệm” thời gian dành cho mẹ lắm. Ví dụ bài tập cô giao, Nam thường tranh thủ làm lúc ở trường hoặc đi học về, trong lúc chờ mẹ nấu cơm là làm luôn. Nên Nam có một buổi tối để cùng tham gia các hoạt động với mẹ.
Cá nhân mình luôn nghĩ, cho trẻ xem ti vi nhiều là không có lợi. Mình nhớ câu chuyện của Katherine Jackson, mẹ của ngôi sao huyền thoại âm nhạc Michael Jackson kể: Mọi chuyện thực sự bắt đầu khi Michael lên 4 tuổi thì ti vi của nhà bà bị hỏng. Vì nhà nghèo không có tiền mua ti vi mới nên mỗi buổi tối, bọn trẻ trong nhà nhảy múa và hát. Bà đã thuyết phục rằng chúng rất giỏi và sau khi nghe các con hát, bố của chúng cũng đồng ý như vậy. Và phần tiếp theo của câu chuyện chiếc ti vi bị hỏng là gì thì các bạn đều thấy rồi đúng không nào.
Tắt ti vi, để nói chuyện, ghi chép, miêu tả, tranh luận, hò hát… tất cả những điều đó sẽ giúp cho văn học đến gần trái tim của con hơn. Mình nghĩ là như thế.
À, hôm qua có một bạn nhỏ ở Ninh Bình, đang học lớp 5 có viết một bài văn và gửi mình sửa giúp. Em này chăm chỉ, yêu thích việc học vô cùng. Mình rất quý tinh thần của em ấy. Nam cũng thường giúp em học tiếng Anh. Từ việc sửa bài cho em, mình chợt nảy ra ý tưởng: Nếu các mẹ có con đang học lớp 3,4,5 có thể khuyến khích các con viết bài và đăng trên tường trang cá nhân của mình. Không cần viết hay đâu, ngô nghê cũng được, vụng dại cũng được. Mình sẽ sửa bài và mọi người cùng tham khảo. Nếu thấy không tiện thì có thể gửi riêng cho mình. Thực ra một bài văn không nói được nhiều điều, quan trọng là để con thấy việc viết văn cũng “dễ như ăn một quả na” thôi.
Mình nhắc lại là mình không viết với tư cách là một giáo viên đâu, chỉ là một phụ huynh của một cậu bé con tròn trĩnh và ngộ nghĩnh thôi, các mẹ nhé!
4. Làm cho con thích viết văn.
Câu hỏi này có lẽ là nỗi trăn trở của nhiều các bà mẹ. Bởi ai cũng hiểu một lẽ đơn giản: Con sẽ viết tốt nếu con thích. Vậy làm thế nào để con thích viết? Câu trả lời đơn giản là: Hãy bắt đầu cho con viết… những gì con thích.
Thật mà. Nếu con được viết những gì con thích, con sẽ không ngần ngại đâu. Tạm bỏ qua những đề tập làm văn trong sách giáo khoa, các mẹ có thể hướng dẫn con viết những gì con thích từ khi con còn nhỏ. Theo quan sát của mình, những điều mà trẻ con thường thích viết là:
- Viết thư cho mẹ (bố, anh chị em…):
Gọi là thư nhưng chỉ cần những dòng nho nhỏ, ngăn ngắn để ở một vị trí nào đó gây bất ngờ. Muốn con có thói quen này, mẹ phải là người chủ động. Mẹ nên viết những lời nhắn cho con để lại ở bàn ăn, để trong hộp bút, để dưới gối… Và khuyến khích con cũng làm như thế. Mình nhớ những ngày Nam mới học lớp 1, buổi sáng khi con đi học, mình thường đợi lúc con không để ý, để một mẩu giấy trong hộp bút hoặc kẹp trong cuốn vở. Những điều mình viết thường là: Con đi học vui nhé. Mẹ biết là hôm nay em học sẽ rất ngoan. Hay: Mẹ đợi em về để kể cho mẹ nghe hôm nay em có gì vui. Hoặc là: Mẹ không biết hôm nay em sẽ ăn món gì ở trường, em nhớ về kể cho mẹ nghe nhé. Cũng có khi là: Mẹ và cây hoa hồng ở nhà đợi buổi chiều em về mở tiệc bánh quy… Nam thích những mẩu con con này lắm, Nam bảo có khi ở trên xe trên đường đến trường Nam đã he hé ra xem. Rồi chẳng cần mình hướng dẫn, Nam cũng biết ghi lại những mẩu con con như thế cho mẹ, mỗi lần mẹ đi công tác hay khi mẹ ốm….Nam đều viết.
Việc viết những tin nhắn như thế, ngoài ý nghĩa nâng cao kĩ năng viết nó còn là phương tiện để biểu lộ tình cảm và lâu dần, khi thành thói quen, sẽ giúp con học cách ghi lại cảm xúc của mình như một nhu cầu giải tỏa. Mình nhớ năm Nam học lớp 3, cô giáo chủ nhiệm gọi điện cho mình hỏi: Chị ơi, bố Nam ốm à? Mình bảo, ôi sao em biết. Cô kể, mấy hôm thấy Nam không được vui lắm, hôm nay trong lúc lấy bút cho Nam, cô nhìn thấy một mẩu giấy nhỏ trong hộp bút, có ghi: Bố ơi, bố đừng ốm nữa. Bố nằm viện con buồn lắm. Bố nhanh về nhà nhé. Cô bảo cô đọc xong rơi nước mắt. Còn mình, mình cũng thế….
- Viết những gì mà con mơ ước:
Trẻ con thì ước mơ nhiều lắm lại thay đổi luôn luôn, nên khuyến khích con ghi lại những ước mơ của mình, theo từng ngày, theo từng giai đoạn cũng làm cho trẻ thích thú lắm í.
- Viết những gì con tưởng tượng:
Ban đầu khi con còn nhỏ, mỗi lần con tưởng tượng gì đó, mẹ nên ghi lại. Ví dụ, nhìn lên bầu trời thấy các đám mây có hình ông Tiên, ông Bụt, hình con hổ, con sóc… có thể ghi lại và đọc lại cho con nghe. Đến khi con lớn, mỗi khi con tưởng tượng gì đó, con có thể tự ghi và hai mẹ con cùng nói chuyện về điều đó. Có một thời gian, Nam tưởng tượng mình thành anh hùng siêu nhiên, luôn có nhiệm vụ giải cứu thế giới. Mình mua mấy cái hình dán siêu nhân, mỗi lần Nam viết được một đoạn lại dán một hình dán vào đó nên Nam thích mê. Cái vụ tưởng tượng này cũng ghi ra dài đến cả nửa quyển vở. Rồi sau đó Nam xem phim về Tiên răng lại tưởng tượng về cuộc chu du của cái răng vừa thay… Nói chung có rất nhiều điều thú vị và khi đã thấy thú vị thì viết ra không ngại chút nào.
- Viết truyện cười:
Trẻ con rất thích những câu chuyện ngộ nghĩnh và rất thích sáng tác truyện cười. Mà sáng tác truyện cười không dễ chút nào. Mình đóng cho Nam một cuốn sổ nhỏ chuyên để ghi những câu chuyện cười do Nam tự nghĩ ra. Có những truyện đọc xong Nam phải giải thích đến cả nửa tiếng mẹ mới à à rồi mới cười. Nhưng mà có hề gì, con thích mà. Và thực ra đó cũng là cách để con yêu việc viết lách hơn. Đây là “truyện cười” của Nam khi con 7 tuổi:Nam xin mẹ ăn bánh.Mẹ: Nam muốn mẹ cho ăn bánh thì phải ngoan nhé.Nam: Vâng tất nhiên rồi mẹ. Mà như thế nào là ngoan hả mẹ?Mẹ: Ngoan là không đòi mẹ cho ăn bánh í.Nam: Ơ… ơHihi, một câu chuyện rất chi là có tính “dìm hàng” mẹ
- Viết những gì quan sát được, viết về những chuyện xảy ra hàng ngày, viết về những điều làm mình vui/ buồn, viết cảm nhận về một câu chuyên, một bức tranh, về buổi đi chơi… Nói tóm lại là tất cả những chuyện cỏn con, tí ti đều có thể được ghi lại. Mẹ luôn là người động viên, khuyến khích con nhé.
Kĩ năng về viết sẽ được tăng lên đáng kể nếu con có thói quen viết từ khi còn rất nhỏ chứ không đợi đến khi làm bài tập làm văn. Mình tin là như vậy.
5. Tích lũy vốn từ.
Quá trình tích lũy vốn từ của trẻ thường diễn ra một cách tự nhiên. Càng lớn, vốn từ của trẻ càng tăng. Nhưng cũng có thể “thúc đẩy” quá trình tích lũy này. Mình đã thực hành với Nam như sau:
- Nói chuyện với con một cách “bình đẳng”:
Điều này thì mình làm từ khi Nam còn nhỏ xíu ấy. Thông thường khi nói chuyện với trẻ con, người lớn hay nghĩ để nói “theo cách của trẻ con”. Nhưng mình thì không thế. Mình nói chuyện với Nam thoải mái, như cách mà mình vẫn thường trò chuyện với mọi người. Mình ví dụ thế này cho mọi người dễ hiểu nhé: Hôm nay em làm đổ đống đồ chơi mà em không nhặt lên. Em làm mẹ buồn đó. Mẹ phê bình em nhé. Hay khi Nam cầm giúp mẹ một cái áo vào nhà: Em ngoan quá, biết giúp mẹ rồi đó. Em đúng là một người con hiếu thảo.
Những câu này sẽ rất bình thường khi con lớn nhưng đây là mình đang nói khi Nam mới có… 11 tháng thôi. Khi đó, mình biết vốn từ của con còn rất ít ỏi, mới chỉ là một số danh từ nhưng mình không ngại ngần để nói chuyện với con dù con có thể chưa được hiểu lắm. Nhưng không sao, học tiếng mẹ đẻ khác hẳn với học ngoại ngữ vì môi trường con đang sống chính là một lớp học lớn rồi. Tuy nhiên, cần tránh việc trẻ nói “từ rỗng” nghĩa là nói mà không hiểu nghĩa. Mẹ có thể hỏi lại và nếu cần thì giải thích cho con.
- Nói với con theo kiểu văn viết:
Bình thường khi nói chuyện với con thì dùng khẩu ngữ, tất nhiên rồi. Tuy nhiên, có một số lúc, mình cố gắng nói theo kiểu văn viết, có nghĩa là nói có hình ảnh, có dùng so sánh, nhân hóa. Ví dụ, hai mẹ con ngắm mưa, mình có thể nói: Mưa nhảy nhót trông đẹp Nam nhỉ. Và mình khuyến khích Nam tìm những từ khác để miêu tả lại hình ảnh đó. Mình cũng hay dùng các từ láy, các tính từ miêu tả để Nam nghe và có ý thức học tập.
Hai mẹ con cũng hay chơi trò chơi: Tìm từ thay thế. Ví dụ mẹ nói: Con chó sủa to. Nam sẽ sửa là: Con chó sủa ầm ĩ. Mẹ nói: Con mèo nhỏ. Nam nói: Con mèo bé xíu xiu. Mẹ nói: Đôi mắt đen/ Nam nói: Đôi mắt đen lay láy… Khi nào Nam tìm được những từ hay, mình đều ghi lại và đánh một dấu sao vào đó để biểu thị sự khen ngợi.
6. Nào, bắt tay vào viết:
Trên đây là những thứ “phụ kiện” giúp cho việc viết văn được dễ dàng hơn. Bây giờ sẽ là quá trình viết văn.
Hãy bắt đầu bằng văn miêu tả:
Trong những năm học tiểu học, thể loại văn miêu tả chiếm ưu thế, bao gồm: tả đồ vật, loài vật, cây cối, tả người, tả cảnh. Mình ý thức được việc này nên cho Nam làm quen với văn miêu tả từ rất sớm. Mình sẽ lấy ví dụ một bài mình hướng dẫn Nam làm văn miêu tả về đồ vật như sau nhé:
- Bước 1: Cho Nam chọn 1 đồ vật mình thích để tả. ( Nam chọn cái hộp bút).
- Bước 2: Cho Nam quan sát: Hướng dẫn Nam thứ tự quan sát, từ ngoài vào trong.
- Bước 3: Cho Nam ghi lại những gì quan sát được:
+ Hộp bút màu gì?
+ Làm bằng chất liệu gì?
+Hình vẽ trang trí thế nào?
+ Khóa của hộp bút thế nào?
+ Có mấy ngăn?
+ Các ngăn đựng gì?
- Bước 4: Bây giờ sẽ là phần “thêm da thịt” để chứng tỏ em viết rất hay:
+ Ai mua cho em hộp bút này? Em nghĩ thế nào về việc đó?
+ Em thích bộ phận nào, chi tiết nào của hộp bút nhất? Vì sao? Em có hình dung các bộ phận đó, chi tiết đó giống với đồ gì khác không?
+ Hộp bút theo em khi đến trường nên chắc hẳn rất thân thiết với em, em hãy nói về tình bạn đó đi.
- Bước 5: Trước khi viết bài, em hãy nhớ những nguyên tắc khi viết văn miêu tả:
+ Tả giống với thực tế
+ Tả chi tiết
+ Có thể dùng nhiều giác quan để tả
+ Tả phải có tình. Nghĩa là với mỗi chi tiết tả đều có thể nêu lên cảm xúc của mình về chi tiết đó.
Vậy đó, thế là Nam sẽ viết ro ro ngay, không hề ngại ngần vì nó chính là những gì mà Nam đã quan sát được và thể hiện trên trang giấy thôi mà. Những bài đầu khi con viết có thể rất ngây ngô, vụng dại nhưng không sao nhé. Hãy khen con khi con biết dùng một từ hay chẳng hạn hoặc khi con viết câu đúng.
Có một vấn đề đặt ra là: Làm thế nào với những vật miêu tả mà con chưa quan sát bao giờ?
Hôm trước mình đọc trên mạng thấy có một mẹ nói về việc con tả cây mít mà không biết cây mít thế nào. Mẹ lên mạng, tra Google, mở ra một loạt những hình ảnh về cây mít, thậm chí cả tên sinh học của cây cho con dễ hình dung…Mình thấy cách làm đó cũng hay. Nhưng với mình, trong trường hợp đó, mình làm như sau:
+ Kể cho con nghe về cây mít, tất cả những điều mình biết để con có ấn tượng ban đầu về cây. Ví dụ, mình sẽ nói về quả mít, về múi mít, về lá mít…
+ Cho con tự tìm thông tin trên mạng. Nhưng khi con tìm hiểu xong, con phải có những thông tin: Cây trông như thế nào? Các bộ phận của cây ra sao? Con ấn tượng với bộ phận nào nhất? Con định sẽ tả kĩ bộ phận nào của cây? Con có muốn so sánh cây với loại cây/quả nào mà con biết không? Con nghĩ sao nếu mình được trồng một cây mít? …
+ Hãy vẽ vào giấy hình ảnh của cây hoặc một sơ đồ hình cây. Và thay vì việc dùng các nét vẽ, con hãy dùng các từ để miêu tả những điều con định vẽ. Ví dụ: Chỗ của lá mít, con có thể ghi: lá hình bầu dục, màu xanh đậm, mặt dưới có những đường viền gân lá. Lá mít khi còn non màu xanh nhạt hơn, trông như bàn tay em bé.
Tất nhiên khi con làm “sơ đồ” mẹ hãy cùng làm với con để con thấy hứng thú. Và sau khi đã có “bức vẽ”, coi như bài văn cũng gần hoàn thành rồi phải không nào. Việc viết văn thông qua sơ đồ này cũng giúp cho con thấy hứng thú hơn. Vậy nên bất cứ bài văn nào con ngại làm, mình đều khuyến khích con vẽ thành sơ đồ, càng chi tiết càng tốt.
Và sau khi con đã hoàn thành một bài văn, tiêu chí để khen thưởng đối với mình, đó là:
+ Bài văn có những chi tiết độc đáo, sáng tạo;
+ Cách diễn đạt trong sáng, dễ hiểu và điểm đặc biệt là khi đọc bài văn đó, cả con và mẹ đều thấy vui.
Việc “hưởng thụ” sản phẩm tinh thần của con sẽ khiến con có cảm hứng “sáng tác” trong những lần sau. Vậy nên, Nam làm văn nhẹ nhàng, không bị áp lực phải viết dài, viết như văn mẫu. Vì chỉ cần Nam có đặt tâm tình của mình vào khi tả là quá tuyệt rồi.
Mình cũng không chắc là khi đi thi, nhất là những kì thi học sinh giỏi, các bài văn của Nam sẽ đạt điểm cao. Nhưng mình nghĩ, giúp con yêu việc viết lách, coi đó là một phần của cuộc sống, để từ đó biết nhìn nhận sự vật dưới góc nhìn nhân văn, sống động, thú vị... Điều đó sẽ có ý nghĩa hơn nhiều để con khỏi loay hoay đau khổ khi đặt bút viết những mở bài kiểu như: Nhà em có nuôi một… ông nội.
Mình chỉ nêu một vài gợi ý, bí quyết nằm trong tay tất cả các bà mẹ. Khóa học "làm mẹ" kéo dài mãi nên các bà mẹ cũng đừng băn khoăn nếu thấy không làm như cách của mình. Vì ai rồi cũng tìm ra con đường của riêng mình.
Mình cũng chỉ là bà mẹ “không hề hoàn hảo” của một cậu bé vụng về và đầy lỗi lầm
Theo: eva.vn