Nguyễn Nhật Nam, cái tên các mẹ cũng không xã lạ gì bởi em chính là một trong những dịch giả nhỏ tuổi nhất của Việt Nam và đã có nhiều chứng nhận, bằng cấp cao của quốc tế. Và chắc chắn đã số các mẹ cũng tò mò về những phương pháp nuôi dạy em từ mẹ của Nhật Nam, làm sao để có thể nuôi dạy em trở thành một thần đồng và có những thành tựu đáng nể như hiện tại phải không?
Vậy hôm nay Sieuthitretho.vn xin bật mí với các mẹ một bí kíp nhỏ những rất quan trọng từ mẹ Nhật Nam. Đó là bí kíp chọn lớn một khi bé chuẩn bị đi họ, một trong những giai đoạn quan trọng mang tính bước ngoạt và có ảnh hưởng tác động đến những bước đi sau này của bé. Các mẹ hãy cùng theo dõi nhé:
1. Tự lên danh sách các mục tiêu mà mình hướng tới.
Mục tiêu thế nào sẽ dẫn đến việc chọn trường thế ấy. Với mình, mục tiêu của mình trong việc chọn trường cho Nam là:
- Đảm bảo kiến thức phổ thông (nội dung chương trình sách giáo khoa).
Không có nhu cầu cho con học thêm ( từ “học thêm” được hiểu là học các bài tập nâng cao, học do cô giáo hướng dẫn ngoài giờ lên lớp). Chính từ mục tiêu này, mình không có ý định chọn những trường có sự cạnh tranh cao giữa các học sinh, các trường mà tỉ lệ “chọi” để vào cao. Vì mình nghĩ đơn giản, cùng một bộ sách giáo khoa, ngay cả các em học sinh miền núi, vùng nông thôn vẫn có thể học được, thậm chí tự học thì sao phải quá lo nghĩ.
Mình mong muốn Nam được phát triển toàn diện, có thời gian được làm những việc mình theo đuổi, có thời gian để học thêm ngoại ngữ. Và một điều quan trọng là con luôn có khoảng thời gian mỗi ngày để đọc sách, để chơi cùng bố mẹ.
- Tạo điều kiện cho con có khả năng tự học.
Mình quan niệm, việc học muốn đi được đường dài phải dạy cho người học cách học. Vậy nên những trường học nào o ép, yêu cầu học sinh làm nhiều bài tập về nhà, mình cũng hơi e sợ và không nằm trong mục tiêu lựa chọn của mình.
- Trường học phải gần nhà:
Mình rất sợ cho con học xa nhà vì nghĩ không nên để con tốn thời gian và sức khỏe vào việc “tham gia giao thông”. Ưu tiên “gần nhà” thậm chí choán hết cả suy nghĩ của mình khi xin học cho con. Mình cũng thích trường có xe đưa đón, cảm giác an toàn hơn là mẹ chở con (vì mình hơi yếu mà Nam thì ục ịch nên chở đi đâu rất khó ).
Trường Nam học tuy gần nhà nhưng mình vẫn đăng kí xe đưa đón. Mình thấy rất ngạc nhiên khi có những cháu, vì nhà xa quá nên buổi sáng, mẹ bế lên xe cho ngủ, đến trường mọi người đánh thức dậy rồi làm vệ sinh cá nhân tại trường. Thương ơi là thương. Nhiều người cứ hỏi có nên cho con học trường này trường kia không. Mình hỏi mà nói cách nhà cả gần chục cây là mình sẽ khuyên nên suy nghĩ lại. Theo mình, đừng để con phải lãng phí sức khỏe và thời gian cả sự an toàn nữa.
- Trường học sạch sẽ, thân thiện:
Vì Nam rất ngại những nhà vệ sinh không được sạch sẽ nên đi chọn trường cho Nam, mình thậm chí còn vào cả nhà vệ sinh để xem. Có những nơi trường học thì cũng khá đẹp nhưng nhà vệ sinh không thể chấp nhận được. Đó một phần do cách quản lý, phần nữa do các cô trong trường không nhắc nhở các cháu. Trong một môi trường, những việc “nhỏ” không được quan tâm như thế thì mình cũng không yên tâm để gửi gắm.
- Điều cuối cùng là trường học phù hợp với điều kiện kinh tế của gia đình.
2. Sau khi xem xét những điều kiện trên, đến mục mình “tự kỉ” với bản thân.
- Không có trường học nào là “trong mơ”.
Thế nào bạn cũng tìm thấy những điểm chưa được ưng ý với bản thân mình hoặc con mình. Nhưng không sao, việc con mình phải thích nghi với một môi trường chưa được ưng ý cũng là một bài học cuộc sống tuyệt vời.
- Trường nào cũng có những giáo viên tốt.
Mình luôn tin chắc là như vậy.
- Trường học là một “thánh đường” của tri thức.
Trường học luôn mang lại những điều tuyệt vời cho đứa trẻ nhưng không có nghĩa là sẽ giúp “biến hóa” đứa con của bạn thành những đứa trẻ hoàn toàn khác. Mình luôn tin, giáo dục gia đình cũng có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với sự phát triển của trẻ.
3. Những nguyên tắc do mình tự đặt ra.
- Không can thiệp vào sự sắp xếp lớp của nhà trường.
Các phụ huynh thường hay bàn luận “rỉ tai” nhau về những lớp tốt và cố gắng để xin con vào lớp đó. Mình không làm như vậy. Tuân thủ đúng theo sắp xếp của nhà trường.
- Giữ đúng vị trí của một phụ huynh.
Mình cũng bắt gặp nhiều mẹ, chắc vì lo lắng cho con quá nên can thiệp hơi sâu vào công việc của các cô. Cô giao nhiều bài quá, gọi điện nhắc. Cô không giao bài, gọi điện nhắc. Cô chấm điểm, cô không chấm điểm, cô cho điểm cao, cô cho điểm thấp ( hồi Nam học chưa có TT 30 nên vẫn cho điểm), gọi điện nhắc. Cô dạy nhanh, cô dạy chậm, gọi điện nhắc… Thử tưởng tượng nếu mình là giáo viên, một ngày trong lớp có mấy chục phụ huynh như thế, giáo viên chắc cũng khủng hoảng lắm.
Vậy nên, với mỗi chuyện ở lớp của con, mình thường tự giải quyết với con, giải thích cho con hiểu. Và mình chờ mỗi khi có dịp thuận tiện, ví dụ, lúc đưa con đi chơi ngoại khóa hoặc sau buổi họp phụ huynh để nói chuyện với cô. Nói chung là để cô có cảm giác thoải mái. Nếu có chuyện gì cần giải quyết ngay, mình thường chọn cách viết thư cho cô hoặc viết luôn vào dưới những cuốn vở tự học của con. Bản thân mình rất thích cách "bút đàm" giữa phụ huynh và học sinh. Ngay cả bây giờ khi dạy học sinh, mình thường nhờ phụ huynh ghi lại quá trình làm bài ở nhà của con để mình khi chấm bài, không chỉ chấm kết quả mà còn xem xét cả quá trình.
- Không cố gắng “hợp tác” với cô để làm nên một “thiên tài”.
Cái này thì mình nói vui thôi nhưng thực tế, mình thấy có nhiều bà mẹ cùng “bắt tay” với cô để mong muốn sẽ làm nên một thiên tài. Mình thấy những mẹ sau giờ học, cho con ngồi sau xe, tay cầm một cái bánh mì, tay kia là chai nước để tơi tả đến lớp học thêm. Mình cứ tưởng tượng, là mình, cùng một bộ quần áo ấy đã chạy chơi suốt cả ngày, đã ngấm đầy mồ hôi, bụi bặm suốt 8 tiếng đồng hồ, giờ lại mặc tiếp trong mấy tiếng nữa. Chỉ nghĩ riêng đến việc ăn mặc thôi đã khó mà chịu nổi. Huống hồ là một đứa trẻ. Nó đã chạy chơi, đã tham gia bao nhiêu hoạt động ở nhà trường, đã phải làm bao việc cô giao trong lớp. Nó liệu còn đủ sức để tiếp thu những điều cô dạy thêm nữa không.
Nhiều mẹ nói tại Nam chịu khó, tại Nam tự học được nên mẹ không cần. Mình cũng không biết phản biện thế nào, nhưng mình chỉ nghĩ, con mình sinh ra là để được tận hưởng cuộc đời riêng của con chứ không phải để chạy theo những mong muốn của cha mẹ. Mà đôi khi, những mong muốn ấy có vẻ không có điểm dừng.
- Không so sánh điểm sổ của con, không so sánh con với các bạn.
Cụm từ “con nhà người ta” được các bạn tuổi teen nhắc đến với một thái độ không lấy gì làm vui vẻ. Lý do là bởi bố mẹ liên tục nhắc đến để so sánh các bạn với những bạn khác trong suốt thời kì các bạn đi học. Mình luôn tự nhắc mình điều này. Bởi mình biết để làm được không hề dễ. Không quan tâm không có nghĩa là muốn để con đạt bao nhiêu điểm, xếp thứ hạng bao nhiêu trong lớp cũng mặc kệ mà nghĩa là mẹ tạm thời gác những mong muốn về điểm số (kết quả) mà xem xét xem mình có thể làm gì giúp con đạt được tốt hơn (quá trình). Vậy nên, mỗi lúc con đi học về, mình thường hỏi nhiều chuyện và kết quả học tập chỉ là một trong số những chuyện mà con kể cùng mẹ.
- Kiên nhẫn, luôn luôn kiên nhẫn.
Những ngày đầu Nam đi học cũng “tệ” lắm. Nam viết chữ xấu, đã thế do thuận tay trái nên con toàn viết ngược. Nhưng mình luôn giữ một tâm thế rất vui vẻ để tiếp nhận những bài viết của con cũng như khi dạy con học. Mình biết, nếu mình quát, con sẽ nghe và học bài nhưng sau rồi, việc học sẽ trở thành gánh nặng, thành nỗi sợ.
Thay vì cho con tập viết nhiều, mình chỉ cho con viết vài chữ hoặc vài dòng cho thật đẹp. Mỗi khi con học, con một vở, mẹ một vở, mẹ và con cùng viết xem ai viết đẹp hơn. Điều này mình học được nhờ lời khuyên của bố mình, đó là: Khi con giao bài về nhà cho học sinh, con hãy ngồi làm thử xem con cần bao nhiêu thời gian. Nếu bản thân con còn làm mệt phờ thì con đừng giao gánh nặng ấy cho học sinh. Lời khuyên ấy giúp mình hiểu, phải đặt mình vào vị trí của đứa trẻ. Và khi dạy Nam, mình tâm niệm, cùng làm để hiểu con hơn.
4. Những điều mình làm để giúp con yêu trường học, yêu cô giáo.
- Tìm ra những điểm thú vị trong lớp học.
Mỗi bạn đi học về là tìm ra nhiều điều thú vị lắm. Nếu mình nhìn theo con mắt trẻ thơ, mình sẽ cảm nhận thấy và vui cùng con. Ví dụ, ở lớp có bạn ngủ gật chẳng hạn hoặc có bạn cứ đến giờ nghỉ trưa là khóc nhè… Mình gợi những chuyện ấy, cho con được nói, được bật cười. Thế là con mong đi học để được kể cho mẹ nghe những điều hay.
- Nói chuyện với cô về đặc điểm của con.
Mình nuôi con mình từ “một bàn tay đầy hai bàn tay vơi” mà nhiều khi mình còn chưa hiểu hết về tâm tính của con huống hồ là cô giáo vừa nhận học sinh, cùng lúc cả mấy chục em. Nên nói cho cô hiểu qua những đặc điểm của con để cô có cái nhìn thông cảm hơn với con, mình nghĩ là việc làm cần thiết những ngày đầu con đến trường ( nếu nói không tiện thì gửi thư).
Với mình, mình đã nói với cô những điều về Nam như sau: Nam thuận tay trái và nếu có thể, cô cứ để cháu viết bằng tay thuận. Mong cô khuyến khích cháu cầm bút tay phải nhưng nếu cháu thấy khó quá, thì mong cô thông cảm. Cháu không học đọc học viết trước nên có thể cháu chậm hơn so với các bạn. Mong cô tạo cơ hội để cháu được rèn luyện và thấy hứng thú với những điều mới mẻ cháu học được. Gia đình cũng mong muốn cháu không cảm thấy việc học là nặng nề nên xin phép cô, cô cho bài về nhà từ mức tối thiểu cần đạt đến mức tối đa. Gia đình sẽ động viên cháu để cháu làm được càng nhiều càng tốt nhưng nếu không, cháu xin phép làm ở mức tối thiểu. Cháu có khả năng về ngôn ngữ nhưng cũng hay hấp tấp, vụng về. Mong cô chỉ bảo để cháu có thể phát huy được khả năng và hạn chế được nhược điểm. Nói chung cháu là một cậu bé rất yêu đời. Gia đình mong muốn cô sẽ truyền thêm tình yêu thương để cháu thấy hạnh phúc…. Đại loại là như vậy. Những hiểu biết gợi mở ban đầu đó sẽ giúp cho mọi việc diễn ra nhẹ nhàng hơn.
- Cùng con tham gia các hoạt động của nhà trường.
Mình luôn cùng con trong mọi lễ khai giảng. Khi trường tổ chức những hoạt động ngoại khóa (cho phép phụ huynh tham gia), tổ chức vui chơi cho các con, mình đều cố gắng sắp xếp để tham gia cùng. Mục đích để con cảm thấy, trường cũng là nhà, mẹ và cô luôn song hành cùng mình.
- Cho con được nói những điều con nghĩ về cô giáo, về trường lớp, về bạn bè.
Trẻ con cũng có những nỗi trăn trở riêng của chúng. Mình luôn dành một khoảng thời gian trong ngày cho con được bày tỏ nỗi niềm. Điều gì con vui, điều gì con chưa vui, vì sao, mẹ có thể làm gì giúp con… Tất cả những điều đó khiến con không cảm thấy mình “cô đơn” khi mẹ để mình lại trường mỗi ngày.
Kết thúc cái bài miên man, ngoằn ngoèo này, điều mình muốn gửi gắm là: Có những niềm vui mình mang lại cho con thật giản dị. Nó không phải là việc mình chọn một trường thật tốt, thật “xịn”. Nó cũng không hẳn là việc mình cạy cục tìm thầy tìm thợ, bỏ thời gian, tiền bạc để con có những lớp học thêm. Nó nằm đâu đó trong trái tim người mẹ của bạn và mách bảo bạn cách để giúp con mình. Và điều quan trọng hãy luôn tin rằng: Ngay cả trong một đội bóng chưa tốt cũng không ai ngăn cản bạn trở thành một cầu thủ tài năng. Ở đâu vào lúc nào, nội lực của con, sự kiên nhẫn đồng hành của mẹ cũng là vô cùng quan trọng.
Mình cũng học được nhiều từ các bà mẹ khác. Thực sự là như vậy!
Hi vọng sau bài chia sẻ cực kỳ hữu ích về bí kíp chọn lớp một của mẹ Nhật Nam, các mẹ đã rút ra được nhiều kinh nghiệm và hữu ích để hoàn thiện phương pháp nuôi dạy con của mình đồng thời có sự chuẩn bị đúng đắn và tốt nhất khi bé yêu chuẩn bị cắp sách đến trường nhé ^^
Nguồn: eva.vn