Tuy nhiên, chính tên gọi mập mờ cùng với chất lượng chưa được kiểm chứng, kiểm soát đã khiến nhiều người dân ‘mắc bẫy’ và tự chuốc lấy nhiều bệnh tật vào người.
Mập mờ tên gọi “bẫy” người dân
Dạo quanh một vòng các khu vực Hàng Chiếu, chợ Phùng Khoang, Dịch Vọng, chợ Ninh Hiệp… mặt hàng chiếu điều hòa thực sự đang rất “hot” và luôn ở trong tình trạng cháy hàng, khan hàng dù các cửa hàng kinh doanh đều khẳng định nhập rất nhiều lượng hàng này về bán. So với các loại chiếu cói, chiếu tre, chiếu trúc… chiếu điều hòa thường xuyên được người dân tới khảo giá, hỏi mua.
Chiếu điều hòa nhập từ Trung Quốc đang được bán tràn lan.
Theo một chủ cửa hàng kinh doanh tại chợ Phùng Khoang, mặt hàng chiếu điều hòa rất đa dạng về chủng loại, màu sắc, kích thước. Giá cả vì thế cũng rất phù hợp với túi tiền và nhu cầu của người tiêu dùng. Cụ thể, một chiếc chiếu mây điều hòa có kích thước 1,6m x 2m, được quảng cáo làm từ sợi mây tự nhiên, mềm mại, bền đẹp và an toàn cho làn da có giá từ 150.000 đồng đến 300.000 đồng/ chiếc kèm theo 2 vỏ gối điều hòa 40cm x 60cm.
Những loại chiếu điều hòa với các tên gọi khác như chiếu sợi tơ điều hòa, chiếu điều hòa thông minh, chiếu điều hòa cao cấp… có giá cao hơn với 350.000 đồng – 500.000 đồng/chiếc kèm 2 vỏ gối.
Với tên gọi “chiếu điều hòa”, nhiều người dân cho rằng đây là sản phẩm cũng giống như quạt điều hòa, áo điều hòa, tức là tự thân sản phẩm sẽ có tác dụng làm mát, giải nhiệt trong những ngày nắng nóng. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của phóng viên, chiếu điều hòa thực ra là một tên gọi cho “sang miệng” bởi chiếu điều hòa thực chất không có bất kỳ sự khác biệt nào so với chiếu cói, chiếu mây hay các loại chiếu khác, thậm chí, nó còn bức bí, khó chịu và nóng hơn.
Lật giở kiểm tra một chiếc chiếu điều hòa làm từ chất liệu mây tổng hợp. Mặt trước của chiếu là những sợi mây đan vào nhau, mặt sau là lớp vải nilon dệt mỏng, để trải trên đệm như một dạng ga trải đệm. Tuy nhiên, lớp lót phía sau của chiếu làm bằng vải pha nilon rất mỏng dẫn đến khả năng thoát hơi kém, rất kín hơi và bức bí.
Anh Ngô Đức Đoàn, chủ một cửa hàng bán chiếu tại chợ Phùng Khoang cho biết: “Chiếu điều hòa được khuyên dùng trong phòng điều hòa, chứ không phải ở các phòng không có điều hòa. Khi nằm điều hòa, chiếc chiếu này sẽ có tác dụng làm mát, nhưng không quá lạnh lưng, còn nếu nằm ở phòng không có điều hòa, chiếu sẽ gây nóng bức, bí bách rất khó chịu vì khả năng thoát hơi kém, mặt sau làm bằng nilon nên hấp thụ nhiệt, gây cảm giác nóng ran ở lưng”.
“Thực ra, đây là cách gọi để ‘đánh’ vào trí tò mò của người dân mà thôi. Ai cũng nghĩ rằng chiếu điều hòa thì sẽ mát hơn nên lao đầu vào mua. Tuy nhiên, chiếu này lại chỉ dùng trong phòng điều hòa, mà phòng điều hòa đã rất mát rồi, cần gì đến chiếu điều hòa nữa”, anh Đoàn thực thà nói.
Chiếu điều hòa Trung Quốc gây viêm da, dị ứng
Trên thị trường hiện nay, các sản phẩm chiếu điều hòa dù được quảng cáo của Hàn Quốc, Thái Lan hay hàng Việt Nam chất lượng cao nhưng người tiêu dùng có thể thấy rõ là hàng Trung Quốc, bởi trên chiếu hay vỏ bọc không hề có bất kỳ thông tin về địa chỉ sản xuất, nơi sản xuất hay chất lượng sản phẩm. Phía góc chiếu chỉ có duy nhất một mẩu vải nhỏ màu trắng, ghi chi chít các chữ Trung Quốc rất khó dịch.
Theo quảng cáo của những người bán hàng, “những chiếc chiếu điều hòa được làm từ sợi mây hoàn toàn tự nhiên, an toàn cho sức khỏe, mang lại cảm giác mát mẻ, dễ chịu, đưa bạn vào giấc ngủ sâu và ngon trong những ngày hè nóng nực. Chiếu điều hòa cực kỳ tiện lợi cho những gia đình có con nhỏ bởi nó dễ vệ sinh, chỉ cần dùng khăn lau là sạch, khô nhanh”….
Tuy nhiên, mới chỉ giặt một lần, chị Nguyễn Thị Thùy (Nguyễn Ngọc Vũ – Cầu Giấy – Hà Nội) đã phải hoảng hốt vứt đi.
Loại chiếu này gây dị ứng, viêm da...
Theo chị Thùy, do nhà chị có con nhỏ nên khi nghe mọi người quảng cáo về loại chiếu này, chị đã không ngần ngại mua 3 chiếc về dùng cho các phòng trong gia đình. Tuy nhiên, ngay ngày đầu tiên dùng, khi con trai 3 tuổi của chị lỡ tay đùa nghịch, đổ cốc nước cam ra chiếu, nước cam đã chảy lênh láng khắp mặt chiếu. “Chắc chắn là do mặt sau làm bằng nilon, bị bịt kín nên nước không thấm được. Tôi nghĩ, nước mà thế này thì chiếu điều hòa cũng chả thấm mồ hôi được. Lau mãi ko sạch như quảng cáo, tôi mang chiếu đi giặt thì hỡi ôi, bề mặt chiếu nhanh chóng bị xù lông, phơi xong một nắng thì cảm giác nó đã mục nát, chỗ lại giòn tan như gãy ra đến nơi rồi”, chị Thùy nói.
Theo chị Thùy, khi giặt chiếu, chiếc chiếu điều hòa lập tức đổi màu, phai nhanh và tã nát chứ không được cứng cáp, gọn gàng như lúc mới mua về.
Cũng là một khách hàng từng chuộng chiếu điều hòa nhưng sau đó nhất quyết vứt bỏ chiếc chiếu được quảng cáo là “siêu mát”, chị Hoàng Vân Anh (nhân viên công ty truyền thông tại Cầu Diễn, Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho rằng mình đã “rước họa vào thân”, “tiền mất tật mang” vì chiếu điều hòa.
Chị Vân Anh kể, do bận rộn với công việc nên chị không chăm sóc con được nhiều, sợ mùa hè oi bức con sẽ nóng trong người rồi rôm sảy nên chị đã không ngần ngại bỏ tiền ra mua chiếu điều hòa cho 2 con nằm ngủ, ngồi chơi. Thế nhưng, chỉ sau một tuần không để ý, chị hoảng hốt phát hiện phần lưng và 2 bên đùi của cậu con trai 4 tuổi bỗng nổi dày nốt, mẩn đỏ và cháu thấy rất ngứa ngáy. Cậu anh học lớp 3 cũng nổi nốt y hệt em, được mẹ đưa sang phòng khác ngủ cùng bà thì 2 hôm sau là đỡ nốt.
Nghi ngờ con bị dị ứng, nổi mẩn do nằm chiếu điều hòa, chị Vân Anh đưa con đi khám thì bác sĩ kết luận cháu bị viêm da. Sau khi loại trừ hết các khả năng, chị Vân Anh quyết định bỏ chiếu, cho bé nằm lại chiếu trúc thì da bé không còn nổi nốt nữa.
Trao đổi về vấn đề này, bác sĩ Đỗ Văn Ngọc, Khoa điều trị bệnh da phụ nữ và trẻ em, Bệnh viện Da Liễu Trung ương cho biết: “Thời điểm đầu hè 1, 2 năm trở lại đây, có rất nhiều bệnh nhân đến khám các bệnh về da, nhất là viêm da do dị ứng, trong đó, rất nhiều trường hợp do tiếp xúc với các loại hóa chất, phẩm màu độc hại từ chăn chiếu, quần áo kém chất lượng. Trên thị trường hiện nay, các sản phẩm chiếu điều hòa cũng không loại trừ khả năng bị tẩm hóa chất độc hại do hầu hết đều không rõ nguồn gốc xuất xứ. Những loại chiếu kém chất lượng này được sản xuất không đảm bảo, ngâm tẩm các loại chất màu, giữ màu, chất bảo quản chống nấm mốc, chất keo dính… Nếu tiếp xúc và sử dụng các loại hóa chất này trong khoảng thời gian nhất định, mọi người có thể bị mẩn ngứa, dị ứng, viêm da, đặc biệt là những đối tượng có làn da nhạy cảm như trẻ em, phụ nữ”.
Theo bác sĩ Ngọc, người dân cần cẩn trọng khi mua các loại chăn chiếu, quần áo – là những sản phẩm tiếp xúc thường xuyên với da. Khi mua, cần tìm các sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, đảm bảo. Cần giặt sạch, phơi khô trước khi sử dụnng.
Trích nguồn Hồng Hải (Khampha.vn)