Với một cặp vợ chồng Mỹ - Việt, điều khó khăn nhất trong công việc nuôi dạy con cái chính là sự khác biệt như trời với đất về tư tưởng dạy con của người phương Tây và người phương Đông. Đây cũng là điều dễ hiểu và hiển nhiên bởi với mỗi hoàn cảnh xã hội, văn hóa khác nhau thì hiển nhiên sẽ nhận những tư tưởng khác nhau. Vì thế, đối với các vợ chồng Mỹ - Việt thì dạy con luôn là một vấn đề khá đau đầu.
Thế nên, hôm nay Sieuthitretho.vn xin giới thiệu với các bố mẹ Mỹ Việt đang rơi vào hoàn cảnh đau đầu này một ví dụ điển hình về sự kết hợp mẫu mực, hoàn hảo và chuẩn mực giữa cách thức dạy con của hai nền văn hóa. Hi vọng, qua ví dụ này, các bố các mẹ sẽ giảm bớt con đau đầu và rút ra được những kinh nghiệm quý báu cho việc nuôi dạy con.
Nào, hãy cũng nghe những chai sẻ của chị Nhưng nhé ^^
Chọn người đàn ông Mỹ từng có 1 đời vợ và hơn mình 20 tuổi, chị Nhung (Quận 7, TP HCM) không gặp bất cứ rào cản nào từ phía gia đình. Bố mẹ chị tư tưởng thoáng và cách nhìn “hiện đại” nên ủng hộ việc tình cảm của các con. Sau hơn 1 năm tìm hiểu, anh chị đi đến hôn nhân. Cho đến bây giờ, vợ chồng chị Nhung đã có 2 cô công chúa xinh xắn, đáng yêu và đẹp như thiên thần. Destinee - cô con gái lớn của chị năm nay 2 tuổi. Destinee sinh đúng dịp lễ tình yêu. Cô công chúa nhỏ Brianna mới 4 tháng tuổi.
Kenn - ông xã của chị Nhung là người Mỹ, hai vợ chồng có hai ngôn ngữ và ảnh hưởng bởi nền giáo dục từ hai nước khác nhau. Tuy nhiên trong việc nuôi dạy con cái, chị và ông xã vẫn luôn thống nhất một cách dạy tốt nhất để giáo dục nhân cách cho con cái. Chị Nhung tiết lộ, đó là cách dạy con "có sự kết hợp giữa 2 nền giáo dục Đông - Tây".
- Người Mỹ nổi tiếng với tính kỷ luật. Chồng chị có phải là một ông bố như vậy?
Đúng thế! Kenn rất thận trọng trong việc nuôi dạy con tính kỷ luật nên về phần này mình để anh dạy hoặc làm theo ý của anh.
Ví dụ bé Destinee (tên gọi ở nhà Ny), khóc nhè và không chịu đi ngủ, Kenn sẽ ngồi nói nhỏ nhẹ với con, giảng giải tận tình cho con về lợi ích của việc ngủ sớm như thế nào. Thay vì quát tháo như nhiều ông bố, bà mẹ khác anh sẽ ngồi đọc truyện cho con nghe và con sẽ hồn nhiên đi vào giấc ngủ. Tối nào cũng vậy, anh hình thành thói quen cho con bằng cách đó.
Chính vì thế, 2 tuổi nhưng kỷ luật về chuyện giờ giấc với Ny rất tốt. Bố mẹ không phải dùng lời lẽ nặng lời để ép con, quát tháo con.
- Là một người bố nghiêm khắc, vậy có bao giờ chồng "Tây" của chị dùng đến đòn roi để dạy con - như cách các bậc cha mẹ Việt hay làm?
Kenn không bao giờ đánh đòn con dù con có bất cứ lỗi gì. Thay vì hành động dọa nạt, cầm roi hay sử dụng “bạo lực” anh sẽ dùng nét mặt và giọng nói nghiêm nghị để dạy con. Hai con của anh chị nhờ được rèn những nếp ấy từ khi còn nhỏ nên rất nghe lời bố mẹ và ngoan ngoãn.
- Cách xử lý tình huống hàng ngày, chị dạy con như thế nào?
Ny rất thích được vẽ và được nghe bố mẹ kể chuyện. Trong những câu chuyện, mình dạy con thêm về vốn từ và cách xử lý tình huống. Có những câu chuyện mẹ kể con chưa hiểu lắm, mẹ đọc đi đọc lại đến 2,3 lần. Dần dà mẹ giải thích tỉ mỉ cho con câu chuyện này ý nghĩa là như thế nào? Răn dạy con người điều gì trong cuộc sống. Ngôn ngữ, cử chỉ, thái độ của con được hình thành ngay từ trong những câu chuyện dung dị hàng ngày mẹ kể.
- Trong cách yêu thương mọi người, chị có bí quyết gì đặc biệt để rèn rũa cho con gái?
Trong giao tiếp và yêu thương, con cũng học được nhiều từ cha mẹ hàng ngày. Mình và ông xã luôn nói chuyện nhỏ nhẹ với nhau. Khi có chuyện gì xảy ra hoặc bất đồng quan điểm cả hai không bao giờ to tiếng hoặc cãi vã.
Bên cạnh đó, mình luôn dùng những cử chỉ yêu thương với ông xã và hai con. Như một thói quen, mình thường ôm Ny hôn, ôm và thơm má con hàng ngày và mỗi tối trước khi con đi ngủ. Con cũng đáp lại tình cảm với bố mẹ bằng cách ôm, hôn. Cho đến bây giờ, thói quen ôm, hôn mọi người trong gia đình như thành thông lệ mỗi sáng, mỗi tối của tất cả các thành viên. Mình nghĩ điều này nên hình thành và duy trì đối với con trẻ.
Mình thích làm những đồ thủ công, “handmade” nên thường làm và dạy con làm cùng. Bé Ny thích thú với những trò chơi như vậy. Mình cho con vào bếp, dạy con làm bánh. Mẹ trộn bột, con sẽ đổ vào tô và dùng tay quấy lên. Mẹ nhào bột, cán bột và cho con in tất cả những hình con yêu thích. Vào bếp cùng con ngay từ nhỏ sẽ giúp con hiểu thêm về mái ấm gia đình, về ngọn lửa “hồng” hạnh phúc mà người nấu ăn dành cả tâm huyết và tình cảm của mình vào đó.
Dạy con từ thủa còn thơ, hình thành tất cả những nếp nghĩ, thói quen từ những việc làm nhỏ nhất cũng góp phần hoàn thiện cũng như uốn nắn nhân cách cho con. Đó là điều tâm đắc mà cả mình và Kenn đang thực hiện với 2 công chúa.
Thường xuyên dạy con và chơi cùng con
- Được biết con gái chị tuy mới 2 tuổi nhưng nói rất giỏi từ khi bé lên 1. Chị chia sẻ bí quyết gì trong cách dạy nói cho con và hình thành cho con về ngôn ngữ?
Ngay từ lúc Ny 1 tuổi mình đã dạy con những chữ cái A, B,C…Mình lấy sách, lấy bảng chữ cái ngồi đọc và cho bé nghe theo. Ny tò mò, thông minh, biết lắng nghe và ham học hỏi. Sau một vài lần mẹ đọc, con cũng ê a ngay sau đó và biết nói rất nhanh. Chính bằng cách cho con tiếp cận sớm với chữ cái ấy đã khiến ngôn ngữ con hình thành nhanh hơn và con dễ tiếp thu trong giai đoạn tập nói.
Mới 2 tuổi nhưng Ny ngôn ngữ của con khá hơn so với nhiều bạn. Hàng ngày, mình cho con nghe nhạc thiếu nhi nước ngoài bằng tiếng anh, giao tiếp với con cũng bằng tiếng anh nên vốn ngoại ngữ con hình thành nhanh. Bây giờ con có thể mô tả cả câu hoàn chỉnh khi muốn nói chuyện, khi bày tỏ mình muốn gì hay không muốn gì bằng cả tiếng anh lẫn tiếng Việt.
Cảm ơn chị về cuộc trò chuyện thú vị này. Chúc chị và gia đình luôn hạnh phúc!
Theo: eva.vn